Các giai đoạn phát triển Kinh_tế_học_cổ_điển

Vấn đề xác định giai đoạn phát triển trường phái cổ điển được xem xét từ lâu. Thời điểm mở đầu của trường phái này được chấp nhận theo quan điểm của K. Marx và dường như không gây tranh cãi trong giới nghiên cứu lịch sử kinh tế. Tuy nhiên thời điểm kết thúc của nó thì Marx chỉ hạn chế bằng những tác phẩm của A. Smith và D. Ricardo. Các luận thuyết của các nhà nghiên cứu tiếp theo không được Marx công nhận là thuộc về trường phái này, và Marx gọi đó là Kinh tế chính trị tầm thường, mà những người đứng đầu của khuynh hướng này là Th. Malthus và J. B. Say.Quan điểm trên của Marx không được hưởng ứng bởi các nhà nghiên cứu khác, ví dụ như J. K. Gelbreyt – giáo sư trường đại học tổng hợp Harvard. Ông cho rằng ý tưởng của Smith và Ricardo vẫn còn tiếp tục phát triển đến tận giữa thế kỷ 19 với những tác phẩm nổi tiếng của J. S. Mill [1]. Ý kiến này được các nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng kinh tế Ben Celigmen, P. Samuelson và M. Blaug công nhận. Dựa vào những đặc điểm chung, đúc kết từ các luận thuyết của các nhà nghiên cứu tiêu biểu, có thể xem cách phân chia giai đoạn phát triển của trường phái này như sau:[2]

  • Giai đoạn 1: Từ cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, bắt đầu bằng những tác phẩm lý luận của U. Petty – người Anh, và P. Buagilber – người Pháp, với những ý tưởng đối lập chủ nghĩa trọng thương. Đó là những người đầu tiên tìm cách giải thích nguồn gốc giá trị của hàng hóa và dịch vụ (bằng cách xác định lượng thời gian lao động và công lao động đã bỏ ra trong sản xuất). Họ đã khẳng định ý nghĩa tiên quyết của nguyên tắc tự do đối với hoạt động kinh tế trong chính lĩnh vực sản xuất vật chất. Tiếp theo đó là sự xuất hiện chủ nghĩa trọng nông – một khuynh hướng thuộc về trường phái cổ điển mà đứng đầu là Francois QuesnayAnne-Robert-Jacques Turgot – với những phê phán sâu sắc và đầy luận chứng đối với chủ nghĩa trọng thương, kéo dài trong 1/3 khoảng giữa thế kỷ 18. Trong giai đoạn đầu tiên này chưa có nhà kinh tế học đại diện nào có được lý luận đầy đủ về phát triển hiệu quả sản xuất trong công nghiệp và cả trong nông nghiệp.
  • Giai đoạn 2: kéo dài trong 1/3 khoảng cuối thế kỷ 18, là giai đoạn gắn liền với tên tuổi của nhà kinh tế học vĩ đại Adam Smith với tác phẩm "Sự giàu có của các dân tộc" (1776), đã đưa Kinh tế chính trị đến mức hoàn chỉnh của một môn khoa học. Những khái niệm "con người kinh tế" và "bàn tay vô hình" đã thuyết phục được nhiều thế hệ nghiên cứu kinh tế. Đến tận những năm 30 của thế kỷ 20 nhiều nhà kinh tế học còn tin vào sự đúng đắn của quan điểm laisez faire – không có can thiệp nhà nước vào tự do cạnh tranh. Những luận thuyết của A. Smith đã trở thành cơ sở để xuất hiện các lý thuyết hiện đại về hàng hóa, tiền tệ, tiền công lao động, lợi nhuận, tư bản, lao động sản xuất và các phạm trù khác.
  • Giai đoạn 3: trong nửa đầu thế kỷ 19, là giai đoạn chuyển bước từ sản xuất dạng công xưởng lên dạng nhà máy với việc cơ khí hóa các công đoạn sản xuất, diễn ra đặc biệt ở các nước phát triển như Anh và Pháp. Tiếp tục tư tưởng của Smith là các nghiên cứu của D. Ricardo, T. Malthus, N. Cenior, J.B. Say, F. Bastia
  • Giai đoạn 4: trong nửa cuối thế kỷ 19 – giai đoạn kết thúc của trường phái cổ điển với những tác phẩm của J. C. Mill và K. Marx. Tuy trong giai đoạn này bắt đầu hình thành khuynh hướng tư tưởng mới mà sau này được gọi là trường phái tân cổ điển, nhưng các lý luận phổ biến của các nhà cổ điển vẫn còn ảnh hưởng rất lớn trong phạm vi nghiên cứu kinh tế thời gian này.